Thực hiện văn bản số 1787/CAQHĐ- CSKT ngày 27/7/2021 của Công an quận Hà Đông về việc tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo mới lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19. UBND phường Phúc La thông báo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ thể như sau:
1. Giả làm bác sỹ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị đó.
2. Gửi thư điện tử, đường dẫn cho nạn nhân với tệp tin đính kèm hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhập tình hình lây nhiễm của Covid-19, tin nhắn kêu gọi tham gia “ Qũy phúc lợi Coca-cola”; mạo danh các thương hiệu thành lập để nhận quà; mạo dung Co.opmart để gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu giữ trực tuyến sẽ đánh cắp hay bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
3. Quảng cáo các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virut như vắc xin, bộ kít xét nghiệm nhanh,...để lừa nạn nhân hoặc tuyên truyền các phương thuốc chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, cấp phép.
4. Lập nên các trang web bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa ngắt liên lạc và không giao hàng như thoả thuận.
5. Các nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ như mạo danh các hãng hàng lớn, gửi link lạ kèm theo thông tin về quà tặng, trúng thưởng cũng được các đối tượng xấu áp dụng để lừa đảo người dùng.
6. Lừa đảo thông qua việc hứa hẹn lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Tạo ra các sản phẩm mềm ứng dụng cho điện thoại có giao diện giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan dịch Covid-19. Nhưng khi người dùng tải về điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/ thẻ tín dụng của nạn nhân.
7. Quảng cáo tiêm các loại vắc xin không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới hình thức tiêm chủng tại nhà, hoặc các cơ sở y tế không được cấp phép tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Mạo danh, sử dụng trái phép thông tin hình ảnh của Trung tâm tiêm chủng VNVC gây ra tình trạng nhầm lẫn, thiệt hại cho người dân có nhu cầu tiêm chủng.
8. Quảng cáo mua bán các loại giấy tờ giả sử dụng trong tình hình dịch bệnh như: Giấy chứng nhận đã tiêm chủng Covid-19, Giấy xét nghiệm âm tính, Giấy chứng nhận sức khỏe,...
Người dân cần hết sức thận trọng khi lên mạng, đặc biệt là các giao dịch mua bán, chuyển tiền nhận quà tặng...Đồng thời để tránh tội phạm giả danh tống tiền, người dân cần hết sức tỉnh táo khi phát hiện đối tượng nghi vấn cần kiểm tra chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng. Các cá nhân cần có trách nhiệm bảo vệ mật khẩu; khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP của mình cho bất kỳ ai. Mỗi người dân cần cảnh giác các hành vi gian lận, lừa đảo lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo quyền lợi của bản thân và công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
Viết bình luận