Sáng ngời một tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế"

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Nhưỡng, một gia đình thương binh 2/4 tại tổ dân phố số 2 phường Phúc La vào một ngày cuối tháng 7. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là một người thương binh đầy lạc quan, yêu đời với một nụ cười luôn thường trực trên môi.

Dù đã bước sang tuổi 86 nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một thời khói lửa hào hùng đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên.

 Ông Nhưỡng sinh ra trong một gia đình nông dân ở Kim Động - Hưng Yên. Năm 17 tuổi, ông cũng như bao thanh niên khác tình nguyện lên đường để đi theo tiếng gọi của non sông. Sau khi tham gia cách mạng, ông liên tục được giao giữ các nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, năm 1949, ông được phân công làm cán bộ chính trị của Đại đội 81, tiểu đoàn 37, trung đoàn 52 sư 320 phụ trách công tác chính trị và văn hoá của Đại đội. Trong thời gian đó, ông còn được giao thêm nhiệm vụ phụ trách công tác thương binh và liệt sỹ, trực tiếp chỉ đạo việc vận chuyển, đưa các đồng chí thương binh đi cấp cứu và lo mai táng cho các đồng chí hi sinh. Nỗi đau khi phải chứng kiến những người đồng đội, đồng chí của mình ngã xuống càng thôi thúc ông đấu tranh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Thế nhưng, trong lúc ý chí chiến đấu đang sôi sục nhất ông không may bị thương nặng ở chân và bị thực dân Pháp bắt. Sau một thời gian giam giữ, chúng cho rằng ông đã bị tàn phế hoàn toàn nên quyết định thả về. Dù đã bị mất một chân, sức khoẻ giảm sút, ông vẫn mong muốn được cùng các đồng chí, đồng đội của mình tiếp tục cầm chắc tay súng bảo vệ quê hương, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Không chịu đầu hàng số phận, ông hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Nhờ được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng ông được tạo điều kiện tham gia học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và trở thành người cán bộ của Đảng.

Hoà bình lặp lại ở miền Bắc, ông được phân công về khu giao thông công chính liên khu 3 và tham gia công tác trong ngành giao thông vận tải. Trong 30 năm liên tục giữ chức vụ Giám đốc xí nghiệp vận tải ô tô khách của Tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, rồi tỉnh Hà Sơn Bình, ông đã đào tạo hàng trăm lái xe cung cấp cho bộ Giao Thông, cho Tỉnh nhà và phục vụ cho chiến trường miền Nam. Là một giám đốc mang phẩm chất của một anh bộ đội cụ Hồ, ông luôn quan tâm tới đời sống của anh em công nhân, thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình anh em công nhân viên gặp khó khăn. Chính vì vậy ông luôn được mọi người trong xí nghiệp yêu mến và nể phục, đơn vị ông luôn là lá cờ đầu trong ngành giao thông vận tải.

Năm 1989 ông về nghỉ hưu tại địa phương, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu vào các vị trí quan trọng như: Phó chủ tịch UB MTTQ phường Yết Kiêu, chủ tịch UB MTTQ phường Phúc La, và ban chấp hành các đoàn thể chính trị, xã hội như: Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Ban hưu trí... Dù vậy, ở bất cứ vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những đóng góp to lớn ấy ông Nhưỡng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, huân huy chương của Đảng và Nhà Nước trao tặng.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ông Hoàng Nhưỡng luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hoà với mọi người xung quanh. Vì vậy, trong số 8 người con của ông thì có 7 người là Đảng Viên. Các con ông đều đã trưởng thành và đều có gia đình yên ấm, hạnh phúc. Gia đình ông nhiều năm liền là gia đình văn hoá tiêu biểu cấp phường và cấp Quận. Thực hiện lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế" ông Hoàng Nhưỡng luôn xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Thực hiện: 

Lan Anh

Viết bình luận

Xem thêm tin tức