UBND phường Phúc La Tuyên truyền phòng, chống bệnh dại

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi người bệnh lên cơn dại thì đều dẫn tới tử vong. Chính vì vậy người dân cần có sự chủ động để phòng, chống với căn bệnh nguy hiểm này.

          Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại, trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, những con số trên chỉ đạt ở mức 9 ca, tháng 02/2024 năm nay tăng gần 10 ca so với tháng 02/2023. Mọi năm, số người bị động vật tấn công và đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm phòng vắc xin ngừa dại thường tăng cao và “chạm đỉnh” vào mùa hè, những giai đoạn nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, là thời điểm mà nhiệt độ nền tăng cao, làm gia tăng xu hướng hoạt động của nhiều loài vật, nguy cơ tiếp xúc với động vật và phơi nhiễm với dại gia tăng. Tuy nhiên, vào năm nay nhu cầu sử dụng vắc xin dại vào mùa sớm hơn mọi năm, số ca phơi nhiễm với dại và tiêm vắc xin dự phòng dại sau phơi nhiễm tăng cao đột biến, ngay cả khi thời điểm hiện tại chưa phải cao điểm của mùa nắng nóng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, với diễn biến dịch tễ của bệnh dại ở thời điểm hiện tại, nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời các biện pháp dự phòng, đe dọa nguy cơ số ca mắc và tử vong tăng vọt vào năm 2024.

          Để chủ động phòng chống bệnh Dại, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, UBND phường Phúc La thông báo và đề nghị các cá nhân, hộ gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng chống bệnh Dại cụ thể như sau: Người dân nuôi chó, mèo cần chủ động tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Đặc biệt, không thả rông chó. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm ở nơi công cộng và có người dắt. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại. Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được vì khi đã bị phát bệnh sẽ dẫn đến tử vong. Khi phát hiện chó, có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ, cào cắn người hay động vật khác thì chủ nuôi phải có trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời khoanh vùng và xử lý nếu chó, bị dại.

          UBND phường đề nghị những hộ gia đình có nuôi chó cần chấp hành nghiêm quy định của nhà nước, đưa chó đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đầy đủ theo quy định, không để chó thả rông ra khu vực công cộng, chó ra đường phải có người dắt và đeo rọ mõm. Hiện nay các Tổ dân phố đang tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ gia đình có nuôi chó, mèo trên địa bàn để UBND phường tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo vào tháng 4/2024, lịch tiêm và địa điểm tiêm cụ thể UBND phường sẽ thông báo sau đến các Tổ dân phố để tuyên truyền đến Nhân dân.

           UBND phường đề nghị các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có nuôi chó, mèo hãy phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác rà soát, lập danh sách đàn chó, mèo nuôi của Tô dân phố; đưa chó, mèo đi tiêm phòng theo đúng thời gian, địa điểm lịch thông báo của UBND phường Phúc La.

                                                                                                               

 

 

Thực hiện: 

Lê Thương

Viết bình luận

Xem thêm tin tức