Chuyện về một Gia đình Văn hóa

Đến tổ dân phố số 9, phường Phúc La hỏi thăm ông Nguyễn Xuân Dục, ai cũng biết và đều cảm phục, ngợi khen ông là một Đảng viên tích cực, tận tâm với công việc, một trong những tấm gương điển hình về việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Không những vậy, gia đình ông còn là một Gia đình Văn hóa tiêu biểu nhiều năm của phường Phúc La, và của quận Hà Đông.

Sinh năm 1946 tại Hòa Phú - Ứng Hòa – Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Dục tham gia chiến đấu ở lực lượng phòng không thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Năm 1984, ông được điều chuyển về công tác tại ban Tuyên huấn, phòng chính trị - Học viện Quân y. Trong suốt 21 năm công tác ông đã tham gia nhiều hoạt động, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử được Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng cục chính trị tặng bằng khen về các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử và tổng kết chiến tranh.

clip_image001Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Dục cùng các con cháu

Cuối năm 2005, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, ở tại khu tập thể Học viện Quân y, phường Phúc La. Hai vợ chồng ông Dục đều là Đảng viên, cán bộ quân đội nghỉ hưu. Ông có một con gái và một con trai, các con đều hiếu thảo, học hành thành đạt và có việc làm ổn định. Con trai ông là sĩ quan Quân y, vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Nhật Bản, hiện là giảng viên của Học viện Quân y. Còn con gái của ông là thạc sĩ luật học đang công tác tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần. Sau khi nghỉ hưu, Ông Dục lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội với các cương vị như: bí thư chi bộ Tổ dân phố, chi hội trưởng Hội Khuyến học của Tổ dân phố số 9, Đại biểu HĐND của phường Phúc La, cộng tác viên Dư luận xã hội của Quận Hà Đông và của Thành phố Hà Nội. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bước vào ngôi nhà nhỏ với đầy đủ các thiết bị nghe nhìn thiết yếu được bày trí một cách giản dị, không phô trương, chúng tôi ngay lập tức ấn tượng với tủ sách có khoảng trên 100 đầu sách được sắp xếp gọn gàng ngay tại phòng khách của gia đình. Trong đó có những cuốn sách quý viết về Bác Hồ khó có thể tìm thấy trong các hiệu sách hiện nay. Những cuốn sách luôn được ông giữ gìn cẩn thận và nâng niu như một vật báu. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, thú vui đọc sách đã trở thành nếp sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình ông. Vì vậy cũng không có gì là lạ khi cô cháu ngoại mới học hết lớp hai của ông đọc làu làu và kể lại vanh vách từng mẩu chuyện về thời thơ ấu của Bác Hồ trong tác phẩm “Búp Sen Xanh” của nhà văn Sơn Tùng.

Đối với ông việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình luôn là việc làm cần thiết để xây dựng một gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Vì vậy, ông luôn tâm niệm phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân và giáo dục con cháu phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống, duy trì sự thống nhất trong gia đình, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các thành viên trong gia đình cần phải quan tâm và giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Đơn cử như khi ông tham gia công tác xã hội thì vợ ông lại chăm lo chu đáo cuộc sống gia đình để ông có thể yên tâm công tác. Nhờ có sự hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình nên không khí trong gia đình ông luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.

Từ những việc làm nhỏ bé ấy, ông và gia đình đã thắt chặt khối đại đoàn kết của nhân dân trong Tổ dân phố, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng Tổ dân phố văn hóa, là tấm gương sáng về phong trào xây dựng “Gia đình Văn hóa” để nhân dân trong tổ dân phố học tập và noi theo.

Thực hiện: 

Lan Anh

Viết bình luận

Xem thêm tin tức