Chuyên mục phổ biến pháp luật Thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống bệnh dại từ động vật lây sang người và các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 59 ngàn người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận gần 80 trường hợp do bệnh Dại. Gần đây, ngày 18/2/2023 tại Tp. Lào Cai ghi nhận 1 nam sinh đang chạy bộ tập thể dục bị 2 con chó to lao vào tấn công nhiều vết thương lớn, 19/2/2023 tại TP.Nha Trang 02 thanh niên đi bộ đã bị chó cắn gây thương tích,…

          Các chuyên gia khuyến cáo, phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người. Điều đáng tiếc là những trường hợp này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm vắc-xin khi bị chó cắn.Nguyên nhân chủ yếu do ý thức người nuôi còn chủ quan thả rông chó ra đường không rọ mõm và không có người dắt, nuôi vật nuôi không khai báo với chính quyền cơ sở, không tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của nhân viên thú y. Ngoài ra, việc thả rông chó ra đường  đã gây bất bình cho các hộ dân xung quanh vì việc phóng uế bừa bãi làm mất vệ sinh công cộng.  Để phòng ngừa bệnh Dại lây từ động vật sang người, UBND phường Phúc La đề nghị mọi người, mọi gia đình phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi có nuôi chó, mèo như:

- Khi nuôi chó, mèo phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; không gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh.

- Nuôi trong nhà, không thả chạy rông, đảm bảo vệ sinh môi trường không ảnh hưởng tới người xung quanh.

- Khi đưa chó ra đường, các địa điểm công cộng phải có người dẫn và có rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

           - Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

          Khi bị chó, mèo tấn công cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. 

- Đối với chó nuôi có đăng ký đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong 14 ngày.

- Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày, trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

Sau đây, UBND phường Phúc La sẽ trích dẫn một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y, cụ thể như sau:

* Luật Thú y năm 2015:

-  Khoản 1 Điều 13 quy định nghiêm cấm che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật.

-  Khoản 6 Điều 13 quy định nghiêm cấm việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

-  Khoản 4 Điều 15 quy định động vật phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

* Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y:

- Khoản 2, Điều 7 quy định hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

- Khoản 3, Điều 5 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm.

- Khoản 1, Điều 7 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

- Khoản 1, Điều 8 quy định hành vi không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch, vùng có dịch  phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

 - Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 8 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ, lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật dễ nhiệm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

          Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc quản lý vật nuôi trong gia đình và tuân thủ các quy định của nhà nước, đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện tốt các biện pháp quản lý đối với vật nuôi, vì một cuộc sống an toàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

 

Thực hiện: 

Lê Thương

Viết bình luận

Xem thêm tin tức