1. Yêu cầu thực hiện đảm bảo và duy trì liên tục các điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách PCCC, giải pháp ngăn cháy lan, điều kiện an toàn thoát nạn của cơ sở đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đối với kho, xưởng sản xuất: - Kết cấu công trình phải đảm bảo khô ráo, không thấm, dột; Hóa chất nguy hiểm phải để trong kho (sắp xếp, phân khu theo tính chất nguy hiểm của từng loại hóa chất); Niêm yết biển báo, biển cấm tại những nơi dễ thấy. - Khi xếp hóa chất trong kho phải đảm bảo: Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5m (hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3m); Hóa chất dạng lỏng phải chứa trong phuy, can, hóa chất dạng khí phải chứa trong bình chịu áp lực và phải được sắp xếp đảm bảo theo quy định; Các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m; Duy trì lối đi chính trong kho phải rộng tối thiểu 1,5m; Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho. - Việc sản xuất phải đảm bảo các trình tự theo quy định. Trường hợp xảy ra sự cố, chỉ những người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của hóa chất và biết phương pháp xử lý, có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được xử lý.
3. Đối với thiết bị, bao bì: Thiết bị, dụng cụ làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nổ đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập; Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn; bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng (trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hóa chất mới hoặc gây nguy hiểm); Vật liệt kê, đậy phải được đánh dấu để phân biệt từng loại hóa chất, ko được dùng lẫn lộn; Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất nguy hiểm phải có nhãn hàng hóa theo quy định. Nhãn hàng hóa, hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và không bị rách. Trường hợp nhãn bị mất, không phân biệt được là chất gì, phải phân tích, xác định rõ tên và thành phần chính của hóa chất và bổ sung nhãn mới trước khi đưa ra lưu thông hoặc đưa vào sử dụng.
4. Trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất
4.1. Với hóa chất dễ cháy nổ: - Phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật để đảm bảo hỗn hợp, khí, hơi bụi của các hóa chất này với không khí luôn ngoài vùng giới hạn cháy nổ theo quy định. - Nơi sản xuất, sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ phải có các buồng phụ. Các buồng phụ này phải cách ly với buồng chính bằng các cấu kiện đảm bảo ngăn chặn theo quy định. - Ngoài phương tiện PCCC thông thường, phải trang bị thêm các phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy. - Phải có quy định chặt chẽ về chế độ sử dụng các vật dụng sinh lửa, sinh nhiệt. - Không để hóa chất dễ cháy, nổ cùng chỗ với các chất duy trì sự cháy (như ôxy hoặc các chất nhả ôxy…). Đường ống dẫn hóa chất dễ cháy, nổ không đi chung với giá đỡ đường ống ôxy, không khí nén. - Khi san rót hóa chất dễ cháy, nổ từ bình này sang bình khác, phải tiếp đất bình chứa và bình rót. - Cấm để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt; đối với trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ hoặc tưới nước…). - Không được đun nóng hóa chất lỏng dễ cháy bằng ngọn lửa trực tiếp. Chỉ được mở nắp sau khi đã đun xong và hỗn hợp bên trong đã đủ nguội. - Khi pha dung môi vào khối hóa chất lỏng ở thiết bị hở phải cách xa vùng có lửa ít nhất 10m. Chỉ được pha dung môi vào khối hóa chất lỏng khi nhiệt độ khối hóa chất lỏng thấp hơn nhiệt độ sôi của dung môi. - Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa các hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị. - Phải có ống dẫn nước, hệ thống thoát nước; tránh sự ứ đọng của các loại hóa chất dễ gây cháy, nổ. - Trong khu vực có hóa chất dễ cháy, nổ phải đảm bảo thông thoáng. Trường hợp sử dụng thiết bị thông gió thì khi xảy ra cháy phải lập tức dừng thiết bị thông gió lại để cháy không lan rộng ra những vùng khác.
4.2. Với hóa chất độc: - Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức để đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo quy định. - Chất thải độc hại khác phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng phải được thu gom để xử lý. - Khi tiếp xúc với hóa chất độc, phải sử dụng mặt nạ phòng độc phù hợp. - Khi tiếp xúc với bụi độc phải dùng quần áo kín may bằng loại vải bông dày có khẩu trang chống bụi, quần áo bảo vệ chống hơi bụi. - Khi tiếp xúc với chất lỏng độc cần phải che kín cổ tay, chân, ngực. Khi làm việc với dung môi hữu cơ hoà tan phải mang quần áo bảo vệ không thấm và mặt nạ cách ly. - Nơi có hóa chất độc phải có tín hiệu báo động tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, báo hiệu các chặng sản xuất đặc biệt, báo “Cấm" như cấm đóng mở máy, cấm tháo hơi nước… trong quá trình sản xuất.
5. Trong bảo quản hóa chất:
5.1. Với hóa chất dễ cháy, nổ: - Phải chia thành nhiều khu vực, kho riêng theo mức độ dễ cháy, nổ của các nhóm hóa chất, để bảo quản hóa chất được an toàn. - Kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải cách ly với lửa và nguồn nhiệt. Phải chấp hành nghiêm ngặt các qui định sau: + Cấm đem các vật gây ra lửa vào kho, cấm chiếu sáng bằng lửa, chỉ được chiếu sáng bằng đèn phòng cháy, nổ. Cấm hàn hoặc làm những việc phát ra tia lửa điện gần kho dưới 20 m; + Không đi giầy đinh hoặc có đóng cá sắt đem vào kho. Khi vận chuyển đồ chứa bằng kim loại, cấm quăng quật, kéo lê trên sàn cứng, cấm dùng các dụng cụ gây ra tia lửa + Cấm để các vải lau, giẻ bẩn dính dầu mỡ trong kho; + Các xe chạy bằng ắc qui, thiết bị nâng, xúc bằng điện phải lắp động cơ an toàn phòng nổ. - Kho phải khô ráo, thông thoáng, phải có hệ thống thông gió tự nhiên hay cưỡng bức. Đối với các chất dễ bị ôxy hóa, bay hơi, cháy, nổ bắt lửa ở nhiệt độ thấp phải thường xuyên theo dõi độ ẩm và nhiệt độ. - Các cửa kính của nhà kho phải được sơn cản ánh sáng hoặc dùng kính mờ. - Chất lỏng dễ cháy, bay hơi phải chứa trong các bao bì không rò rỉ và để trong hang hầm hoặc để trong kho thoáng mát, không tồn chứa cùng các chất ôxy hóa trong một kho. - Khi rót chất lỏng dễ cháy vào thùng kim loại tiếp đất vỏ thùng bằng miếng đồng hoặc nhôm, không tiếp đất bằng kim loại đen.
5.2. Với hóa chất độc: - Phải bảo quản trong kho có tường và nền không thấm nước, không bị ảnh hưởng của lũ lụt, xa nơi đông dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn; phải có khóa bảo đảm, chắc chắn. - Khi bảo quản, nếu cần san rót, đóng gói lại bao bì, không được thao tác ở trong kho mà phải làm ở nơi thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn, hoặc nơi có trang bị hệ thống hút hơi khí độc. - Khi sử dụng các phương tiện cân đong hóa chất độc, đảm bảo không làm rơi vãi hoặc tung bụi ra ngoài. - Trước khi vào kho hóa chất độc phải mở thông các cứa làm thoáng kho. Khi vào phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân.
Viết bình luận