ĐÌNH YÊN PHÚC

Đình làng, hồn cốt của mỗi làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành Hoàng làng, cũng là ngôi nhà chung cho dân làng hội họp. Vào mỗi dịp lễ Tết, đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của dân làng, là nơi phản ánh đầy đủ nhất kho tàng văn hóa của một làng quê từ đời này qua đời khác.

Đình làng Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội thờ An Trì Linh Lang, một vị tướng có công đánh giặc cứu nước trong cuộc đấu tranh chống quân Nguyên Mông hồi thế kỷ thứ 13. Ngài vốn là tướng nhà trời được Ngọc Hoàng phái xuống trần làm Hoàng tử con vua Trần Thánh Tông, tên là Uy Đô, sinh ngày 2-2-1265.

Uy Đô thích nghiên cứu kinh sách nhà Phật, ngày qua tháng lại, Uy Đô đọc rất nhiều sách vở, không sách nào là không tinh tường. Khi tướng Toa Đô đem 40 vạn quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Uy Đô đã tâu với Vua: Con người ta sinh ra ở trời đất thì cần phải tỏ rõ tài trí lỗi lạc, trí của bậc trượng phu, phải tung hoành ở cõi xa trường, nếu không cứu vớt được đời loạn thì lấy gì mà ghi vào sử sách lưu lại tiếng thơm cho muôn đời.


Ông liền dâng biểu kế sách đánh giặc, xin được đem quân ra trận và được Vua ân chuẩn. Uy Đô tập hợp môn hạ và gia binh thành lập đội quân xưng là Thiên tử quân, tiến đánh quân Nguyên Mông và giành thắng lợi lớn. Giặc tan, nhà Vua phong cho Ngài là Dâm Đàm Đại Vương (Đại vương Hồ Tây), lúc đó Ngài vừa tròn 36 tuổi.

Đức thánh Uy Đô Trần Linh Lang Đại vương chính phái họ Hồng Bàng, không bệnh qua đời vào giờ Ngọ ngày 8-8-1300, sắc phong Hiển Minh Đức, hiện còn lưu giữ tại Đình Nhật Tân, hay còn gọi là Đình Nhật Chiêu.

Khi được hỏi về nét đặc biệt của ngôi đình, bác thủ từ năm nay 65 tuổi- người ngày ngày tỉ mỉ với công việc trông coi, hương khói và đón tiếp dân làng đến thắp hương, đặt lễ tại Đình làng Yên Phúc- cho biết: Nét khác biệt của Đình làng Yên Phúc so với các ngôi đình khác là trong đình có thờ Thánh Mẫu, nhưng Thánh Mẫu ở đây không phải là mẹ Ngài, cũng không phải là phu nhân của Ngài mà là Mẹ của dân làng. Tương truyền Thánh Mẫu là vị Tiên ở trên trời giáng xuống để phù hộ độ trì cho dân làng nên dân làng tôn làm Mẹ. Điều này mang một ý nghĩa văn hóa lớn lao, thể hiện sự tôn vinh vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội.


Lễ hội Đình làng Yên Phúc thường diễn ra vào mùng 14,15 Tết. Người dân đến đình đặt lễ từ 23 tháng Chạp đến hết mồng 3 Tết. Ngày thường thì cứ vào mồng 1 và ngày Rằm, người dân lại đến đình đặt lễ. Hoạt động này đã trở thành tập tục văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.


Lễ hội Đình làng Yên Phúc có 2 loại là Lễ hội Tiểu đán và Lễ hội Đại đán. Lễ hội Tiểu đán có rước Long đình, bộ Bát bửu, bàn Hương án, lính hầu và cờ, tàn, tán, lọng; ngoài ra còn có đội múa Sênh Tiền, bát âm. Lễ rước được tiến hành từ đình ra miếu và từ miếu về đình. Miếu ý nghĩa là nhà riêng của Ngài, đình là công sở nơi Ngài thăng đường làm việc và là nơi hội họp bàn việc của dân làng. Khi tổ chức Lễ Đại đán thì dâng lễ đón rước Ngài từ miếu về đình, sau đó tổ chức tế lễ. Ngày xưa, người dân tổ chức tế lễ cả ở miếu, nhưng bây giờ chỉ tổ chức ở đình, còn miếu chỉ có đội quan viên ra dâng lễ. Lễ tế là lễ mặn, gồm xôi gà trống hoa, miệng ngậm bông hồng hoặc xôi thủ và được thực hiện theo nghi thức Cung Đình. Lễ Đại đán thì đông đảo hơn, ngoài những nghi lễ có trong Lễ Tiểu đán ra thì Lễ Đại đán còn có thêm hai bộ kiệu bát cống.

Vào những ngày lễ Tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời Đất phù hộ giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận lợi và có nhiều phúc lành.



Với những ý nghĩa văn hóa đặc biệt, năm 2001, Đình làng Yên Phúc được công nhận là di tích lịch sử cấp Nhà nước.

Ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa xã hội của một làng xã mà chính là linh hồn của làng, là tài sản quý báu của mỗi địa phương. Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người ta dường như đều muốn được tìm về với chốn tâm linh, tìm về với những gì bình yên và Đình làng Yên Phúc là một nơi như thế...

Viết bình luận

Xem thêm tin tức