CHÙA XA LA - HẠNH HOA DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH TẠI PHƯỜNG PHÚC LA

Phường Phúc La được thành lập theo Nghị định số 52 ngày 23-6-1994 của Chính phủ, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của làng Yên Phúc và làng Xa La trước đây. Phúc La là tên triết tự của làng Yên Phúc và làng Xa La xưa.

 Làng Xa La ở sát bên bờ tả sông Nhuệ, cách quốc lộ 6 khoảng 1km. Xa La xưa được bao quanh bằng lũy tre dày đặc. Làng có cổng chính và cổng xuống sông Nhuệ (xóm giữa). Làng có 1 giếng nước ăn, đã được đi vào câu ca: Giếng Xa La vừa trong vừa mát/ Đường Xa La lắm cát dễ đi. Làng Xa La xưa có 3 xóm: xóm Đình (nay là tổ dân phố 11), xóm Giữa và xóm Ngoài (nay là tổ dân phố số 10). Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân Xa La đã xây dựng nên các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử như: Đình, Chùa, Miếu... là nơi sinh hoạt văn hóa làng xã, hình thành phong tục tập quán tốt đẹp, sản sinh ra những danh nhân làm rạng danh quê hương, tạo nên những nét tiêu biểu của truyền thống văn hóa trong các thời kỳ phát triển của lịch sử. Nhân dân giữ gìn nét đẹp lễ hội, đình chùa, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ bản sắc Việt Nam, thuần phong mỹ tục, để nhớ và noi gương cha ông, hun đúc thêm ngọn lửa yêu nước, ý chí quật cường xây dựng quê hương. 

Mỗi khi đến vùng đất này không ai không nhắc đến Chùa Xa La hay còn gọi là Chùa Hạnh Hoa. Chùa có từ thế kỷ thứ XVII, ở phía Tây làng, được xây dựng cách đây gần 300 năm từ thời Hậu Lê. Chùa vốn là một cái ao bên bờ Sông Nhuệ, nhiều lau sậy, trên ao có một gò đất, Công chúa Hạnh Hoa đã tu ở am đất đấy nên gọi là Chùa Hạnh Hoa.

Ngôi chùa tọa lạc trên khuôn viên khá rộng và thoáng nằm hướng ra dòng sông Nhuệ, với nhiều cây xanh, không khí trong lành, yên tĩnh, tạo nên phong cảnh thoáng đãng, êm đềm cho ngôi chùa mà bất cứ ai đã từng đặt chân đến đây đều cảm nhận được điều đó.

Chùa Xa La được thiết kế theo lối kiến trúc điển hình của những ngôi chùa ở miền Bắc. Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, hệ thống kiến trúc chùa được kết cấu chặt chẽ theo hình chữ U bao gồm nhiều lớp: Cổng tam quan, tòa tam bảo, tượng phật Quan âm, Gác chuông,hậu cung, nhà thờ tổ, thờ mẫu, nhà khách và các công trình kiến trúc được bố cục hài hòa trong một không gian rộng thoáng, những cây xanh tỏa bóng bốn mùa tạo thêm vẻ u tịch tĩnh lặng nơi cửa thiền.

Trước đây do chiến tranh Chùa Cổ đã bị tàn phá nhiều, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, sư phụ ở Chùa có nuôi cán bộ cách mạng nên lại bị tàn phá lần hai, nên ngôi chùa đã được nhân dân xây dựng lại năm 2008. Hiện nay Chùa  kết cấu hình chữ Nhị, bên trong lưu lại hai bức tranh địa ngục biến tướng đồ bằng sơn mài được cấp di tích lịch sử cấp Quốc gia. Bên cạnh đó còn có một bức hoành bằng thảm trai có chữ “Tê vương hữu thần”.

Với những giá trị về văn hóa lịch sử năm 2003 Chùa Xa La đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng tại Quyết định số 08/QĐ- UBND ngày 13/3/2005 là di tích lịch sử cấp tỉnh Hà Tây nay là TP.Hà Nội.

Theo dân gian quan niệm, đi chùa là để thành tâm hướng về cõi Phật, cầu mong mưa thuận gió hòa, gửi gắm mong ước khỏe mạnh, hạnh phúc, mọi sự đều tốt đẹp. Chính vì vậy, người dân Phúc La vẫn thường có tục đi lễ chùa để thắp hương, viết sớ, cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình và những người thân. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Cửa chùa, đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, bên cạnh sự phát triển của đô thị hóa thì vẫn giữ được nét đẹp của phong tục văn hóa phương Đông đi lễ chùa là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người dân Phúc La thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Thực hiện: 

Ban Văn hóa thông tin phường Phúc La

Viết bình luận

Xem thêm tin tức