Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Mùa hè năm 1922, đồng chí Trần Phú thi đậu thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế. Để nối nghiệp gia đình, đồng chí Trần Phú đã khước từ chốn quan trường, vào làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cũng trong thời gian này, Đồng chí đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cho Cụ Phan Chu Trinh.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là vào cuối năm 1926, khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu,Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại đây, Đồng chí đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn – tổ chức nòng cốt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, Đồng chí trở về nước hoạt động nhưng do bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, Đồng chí phải quay lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại trường. Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, Đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp.
Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi ở tuổi 27. Trước lúc hy sinh, Đồng chí vẫn nhắn gửi: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng Đồng chí đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì đất nước, vì Nhân dân của đồng chí Trần Phú, toàn Đảng ta nguyện nêu cao ý chí, tinh thần cách mạng của người cộng sản; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội lần thứ XIV của Đảng là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai. Thời gian tới chúng ta cần tập trung tâm sức, trí tuệ xây dựng các văn kiện Đại hội với tinh thần khoa học, đổi mới, chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước và xu thế phát triển của thời đại để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Tháng 4 năm 2024
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Viết bình luận