Cách phòng chống cúm A - H7N9

 

Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo việc Việt Nam có nguy cơ bị virus cúm A - H7N9 xâm nhập từ các vùng dịch ở Trung Quốc.

Từ tháng 10/2016 đến nay, dịch cúm gia cầm đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, các trường hợp nhiễm cúm ở người được ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, hiện đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc cúm A – H7N9 với tỷ lệ tử vong khoảng hơn 40%. Các trường hợp mắc bệnh đa phần có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại chợ hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh.

Theo cục Y tế dự phòng, hiện nay đã phát hiện gia cầm nhiễm cúm A – H5N1 tại 6 tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Nghệ An, Bắc Ninh và gia cầm nhiễm cúm A – H5N6 tại tỉnh Quảng  Ngãi. Trước tình hình nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc và chưa kiểm soát triệt để việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước này nên nguy cơ xâm nhập virus cúm A - H7N9 rất cao. Đáng lo ngại hình thức chăn  nuôi phổ biến ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu dưới hình thức tự phát trong khu dân cư nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ý thức người dân cũng còn hạn chế như: Khi nhập con giống về chăn nuôi chưa khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quản lý đàn vật nuôi, nguồn gốc của vật nuôi, nguồn gốc dịch bệnh. Khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh cũng khiến dịch bệnh phát sinh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

 Bên cạnh đó nước ta vốn là nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa – môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển lây lan, type virus cúm gia cầm có tính biến dị cao, dễ kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus cúm gia cầm ẩn náu trong không khí, bụi và đất, chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Cúm gia cầm có thể lây truyền sang con  người khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mắc bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm mắc bệnh. Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc khi con người hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua đường ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm Virus...) hoặc có thể khi tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm Virus. Việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ hay chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh là những nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng chống cúm A – H7N9, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, UBND phường Phúc La thông báo và đề nghị các cá nhân, hộ gia đình, các hộ kinh doanh, chăn nuôi gia cầm thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng chống cúm A – H7N9 cụ thể như sau:

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng.

2. Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm mắc bệnh; không sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Không ăn thức ăn chưa được nấu chín, không ăn tiết canh. Nên nấu chín thịt gia cầm cho đến khi phần thịt bên trong không còn màu hồng và không để lẫn thịt đã nấu chín với thịt sống. Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã chạm vào thịt sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó.

3. Các hộ chăn nuôi cần nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch, chủ động tiêm vacxin phòng cúm cho gia cầm, thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng trại sạch sẽ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn để có biện pháp khoanh vùng xử lý và tiêu hủy đúng quy đinh, tuyệt đối không tiêu thụ gia cầm bệnh ra bên ngoài cũng như vứt xác gia cầm xuồng cống rãnh gây mất vệ sinh môi trường và phát tán dịch bệnh.

4. Người trở về từ quốc gia có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

          Đề nghị các gia đình và toàn thể nhân dân khi phát hiện người có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở do liên quan đến gia cầm cần thông báo ngay đến Trạm y tế phường Phúc La để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời. Địa chỉ liên hệ: đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng trạm y tế phường Phúc La, số điện thoại: 0989.965.036 hoặc số điện thoại 0988.631.178 – đồng chí Nguyễn Thế Nam – Phó trưởng trạm y tế phường Phúc La./.

Thực hiện: 

Châu Giang

Viết bình luận

Xem thêm tin tức