10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII

10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành.​

Theo Chương trình hành động này, Hà Nội xác định đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 USD đến 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt từ 12.000 USD đến 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc té, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Thành ủy Hà Nội xác định chỉ tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 – 2025 từ 7,5%  đến 8,0%; trong đó: Dịch vụ: từ 8,0% đến 8,5%; Công nghiệp và xây dựng từ 8,5% đến 9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: từ 2,5% đến 3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ từ 65,0% đến 65,5%; Công nghiệp và xây dựng từ 22,5% đến 23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4% đến 1,6%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 10,4% đến 10,6%. (3) GRDP bình quân/người: từ 8.300 USD đến 8.500 USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, Thành phố xác định tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...

Ba khâu đột phá cũng được xác định là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triên hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trên, 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2020-2025 gồm: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hỉện đại, văn minh; tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị;

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu Đảng đoàn HĐND Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo HĐND Thành phố cụ thể hóa nội dung của Chương trình vào các Nghị quyết của HĐND Thành phố, bố trí nguồn lực, bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện Chương trình; Chỉ đạo tăng cường giám sát hoạt động của các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

Ban cán sự Đảng UBND Thành phố căn cứ nội dung Chương trình hành động của Thành ủy, xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện; Chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; từng chương trình, kế hoạch phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ, phù hợp với thực tế, phân công rõ tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện, xác định rõ lộ trình và thời gian hoàn thành.

Các Đảng bộ trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Chương trình tới các chi bộ, Đảng bộ cơ sở, cán bộ, đảng viên; phổ biến, tuyên truyền nội dung cơ bản đến công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Thành ủy...

10 chương trình công tác lớn toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII:

Chương trình 01 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 02 về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 05 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 07 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 09 về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025";

Chương trình 10 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".

Thực hiện: 

Huyền Trang

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức