UBND phường Phúc La triền khai kế hoạch phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Hiện nay tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở một số địa phương như bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, viêm não do não mô cầu. UBND phường xây dựng kế hoạch phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe nhân dân nhằm mục đích giảm tối đa tỷ lệ mắc và phấn đấu không để xảy ra tử vong do các bệnh dịch truyền nhiễm, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân; chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý dịch kịp thời, triệt để, tổ chức tốt hoạt động cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh dịch không để bùng phát thành dịch lớn.

Theo kế hoạch, UBND phường Phúc La đề nghị các ban ngành, đoàn thể phối hợp với các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục ngoài công lập đóng trên địa bàn thực hiện tốt nội dung trong kế hoạch: Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông về nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh.

Dưới đây là một số các dịch bệnh nguy hiểm, nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp chủ động phòng chống:

1. Bệnh Sốt xuất huyết:

- Nguyên nhân gây bệnh: là do muỗi đốt truyền bệnh.

- Cách phòng chống:

+ Tốt nhất tránh để muỗi đốt: cần ngủ màn ban ngày cũng như ban đêm.

+ Hàng tuần tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vào sáng thứ 7.

+ Diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy. Lưu ý đậy kín các nơi chứa nước, tốt nhất thay nước mỗi tuần 2 lần ở những vật dụng chứa nước.

+ Thường xuyên kiểm tra và dọn dẹp sạch sẽ các khu vực trong nhà, xung quanh nhà, không để nước đọng, không để có các vật dụng chứa nước, vật dụng phế thải đọng nước, không để muỗi đốt truyền bệnh.

2. Bệnh viêm não Nhật Bản B:

- Nguyên nhân gây bệnh:

+  Là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu do virus viêm não Nhật Bản B gây ra.

+ Virus được truyền sang người do bị muỗi đốt. Loại muỗi này có tên gọi là Culex, muỗi đốt vật chủ mang mầm bệnh sau đó đốt sang người thực hiện vai trò truyền bệnh. Vật chủ mang mầm bệnh là lợn, ngựa và một số loài chim hoang dã.

- Cách phòng chống:

+ Khi trẻ được 12 tháng tuổi chủ động đưa con em ra Trạm y tế để được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

+ Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình.

3. Bệnh viêm màng não do não mô cầu:

- Nguyên nhân gây bệnh:

+ Là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu gây ra, bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, những bệnh nhân sống sót để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm lý bệnh nhân.

+ Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi …thông qua tiếp xúc hàng ngày như: hôn, dùng chung dụng cụ bát, đĩa, cốc chén uống nước, tiếp xúc với nhiều người như sống trong khu tập thể, khu cắm trại, trường học, nhà trẻ … đều có thể lây truyền bệnh và lây lan thành dịch.

- Cách phòng chống:

+ Khi trẻ đủ 24 tháng tuổi chủ động tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh.

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

+ Tránh tiếp xúc gần với người bệnh viêm não mô cầu.

+ Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

+ Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống đặc biệt các nơi sống tập trung đông đúc góp phần hạn chế sự lây lan của bệnh.

+ Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, cổ cứng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

4. Bệnh Sởi:

- Nguyên nhân gây bệnh: là bệnh lây qua đường hô hấp, có khả năng lây lan nhanh, thường xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi. Mọi người có thể mắc bệnh sởi do hít phải các dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi.

- Cách phòng chống:

+ Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi ngay sau khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi tại Trạm y tế phường.

+ Đối với người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh mũi họng trước khi bế, ôm hôn trẻ, che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

+ Vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày, hạn chế tới nơi đông người, sử dụng khẩu trang cho trẻ khi đi ngoài đường. Không dùng chung các vật dụng (khăn, cốc, thìa, đồ chơi) của trẻ với người lớn hoặc trẻ khác.

+ Tránh tiếp xúc với trẻ mắc/nghi mắc bệnh sởi.

+ Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

+ Khi trẻ có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bệnh sởi cần cho trẻ nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho Trạm y tế.

5. Bệnh dại:

- Nguyên nhân gây bệnh: là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

- Cách phòng chống:

+ Tiêm vắc xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại lây từ động vật sang người.

+ Người dân hạn chế nuôi chó, mèo nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn. Khi trong nhà có phát sinh thêm số lượng chó, mèo phải thông báo cho tổ dân phố, chính quyền cơ sở và đăng ký tiêm vắc xin phòng dại.

+ Khi bị chó, mèo hoặc súc vật khác cắn thì phải rửa vết thương bằng nước và xà phòng nhiều lần. Tuyệt đối không nặn máu vì sẽ làm dập mô và đi tiêm phòng ngay tại cơ sở y tế.

+ Báo ngay cho chính quyền, cán bộ Thú y để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại. Cách ly chó, mèo nghi dại; tiêm phòng dại cho chó, mèo khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

6. Bệnh Tay chân miệng:

- Nguyên nhân gây bệnh: Là bệnh nhiễm virus rất nguy hiểm có thể gây thành dịch, bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua đường ăn, uống, qua tiếp xúc trực tiếp, qua dùng chung dụng cụ, đồ chơi.

- Cách phòng chống:

+ Chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị nên cách ly trẻ bệnh và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng bệnh là chính.

+ Thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.

+ Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

+ Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

+ Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

+ Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho Trạm y tế và đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế gần nhất.

Khi trong nhà có người có các dấu hiệu nghi mắc một số bệnh trên, đề nghị các gia đình thông báo ngay cho Trạm y tế phường để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh kịp thời và có biện pháp khoanh vùng xử lý không để dịch bệnh lây lan. Số điện thoại liên hệ: 0989.965.036 - đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng trạm y tế phường Phúc La hoặc số điện thoại 0988.631.178 – đồng chí Vũ Thế Nam – Phó Trưởng trạm y tế phường Phúc La.

Viết bình luận

Xem thêm tin tức