TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC GIA CẦM
VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN 2018
Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến thất thường. Đặc biệt những tháng cuối năm thời tiết lạnh, rét chính là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan. Đồng thời các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội cũng là điều kiện để lây lan dịch bệnh. Đồng thời, để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tươi sống có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm trên địa bàn phường, UBND phường Phúc La đề nghị các cá nhân, hộ gia đình, các cơ sở vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm và toàn thể nhân dân trên địa bàn phường thực hiện tốt một số quy định sau:
- Với các hộ kinh doanh, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm:
+ Không buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ gây ô nhiễm môi trường dễ làm lây lan dịch bệnh; sản phẩm gia súc, gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng; tuyệt đối không nhập gia súc, gia cầm về địa bàn phường từ các vùng đang có dịch để chăn nuôi hay giết mổ…
+ Thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu độc môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
- Các Ban quản lý các chợ:
+ Phối hợp với nhân viên thú y nhắc nhở, vận động các hộ kinh doanh sản phẩm từ gia súc, gia cầm thực hiện nghiêm việc không buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ; quy hoạch, sắp xếp các hộ buôn bán sản phẩm động vật phải ở khu riêng biệt với các loại hàng hóa khác và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.
+ Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hàng ngày hoạt động kinh doanh buôn bán của các hộ trong chợ; có trách nhiệm phối hợp với các ban ngành chức năng của phường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của Pháp luật.
+ Thường xuyên tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực bên trong và xung quanh chợ, rắc vôi bột tại các khu vực có quầy kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật.
- Đối với các cá nhân, hộ gia đình:
+ Với các hộ chăn nuôi nên mua con giống khoẻ mạnh và có nguồn gốc rõ ràng; khi nhập vật nuôi phải có thông báo với Tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ thú y để lập danh sách quản lý đàn vật nuôi cũng như có hướng dẫn các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định; khi gia súc, gia cầm có dấu hiệu ốm bệnh hay chết bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y phường biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y; chỉ ăn thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín kỹ để phòng ngừa lây nhiễm các bệnh có thể lây từ động vật sang người.
Đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, và thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; Không mua gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh; Không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh; Không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; Không vứt xác gia súc, gia cầm chết bữa bãi.
Mọi thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hoặc nếu phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái quy định của pháp luật đề nghị nhân dân kịp thời thông báo cho Công an phường hoặc UBND phường để xử lý kịp thời.
Viết bình luận