Trong những năm gần đây, tình hình an toàn lao động và tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn, phần lớn là do người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm ATLĐ; do người lao động vi phạm quy trình, quy phạm ATLĐ và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác ATVSLĐ chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề... chưa được quan tâm hướng dẫn đầy đủ quy định nhà nước về ATVSLĐ dẫn đến việc vi phạm các quy định về ATVSLĐ và nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cao.
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn Thành phố xảy ra 27 vụ cháy, 170 sự cố cháy; làm 02 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá trên 1.360.000.000 đồng (một tỉ ba trăm sáu mươi triệu đồng). Nguyên nhân là do ý thức của người dân về công tác phòng cháy còn nhiều hạn chế, lơ là, sơ xuất trong sử dụng lửa, thiết bị tiêu thụ điện, tùy tiện sắp xếp nhiều hàng hóa lấn chiếm diện tích của lối đi và đường thoát nạn, trong khi nhà chỉ có một lối thoát nạn duy nhất, qua cửa chính lại nhiều lớp, nhiều khóa nên việc thoát nạn trong điều kiện cháy là hết sức khó khăn... không thể đảm bảo “giây vàng, phút vàng” trong cứu nạn, cứu hộ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá chưa quan tâm đầu tư đúng mức và tuân thủ chặt chẽ các quy định về công tác an toàn PCCC, đặc biệt nguy cơ cháy trong các khu công nghiệp, chợ, nhà cao tầng... đang tiềm ẩn ở mức độ cao.
Trước những bất cập về tình hình mất an toàn TNLĐ, tai nạn cháy nổ, những năm qua, các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động bảo đảm ATVSLĐ – PCCN. Ngày 19/8/2013, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chỉ thị của Ban Bí thư nêu rõ cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động; đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cùng với đó, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã đẩy mạnh triển khai các chính sách, pháp luật liên quan như: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng cháy chữa cháy... ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Quyết định, Thông tư, Chỉ thị… làm cơ sở thực hiện công tác ATVSLĐ – PCCN.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 năm 2015 phát động với chủ đề “Mỗi đơn vị, mỗi người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ để bảo vệ chính mình, đơn vị và xã hội”, nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật về An toàn – Vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ, nâng cao nhận thức và ý thức của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội trong việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trên địa bàn, UBND phường Phúc La tăng cường thực hiện một số giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ như:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức về Luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy và chữa cháy nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động với công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảm bảo VSATLĐ - PCCN đối với người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác đảm bảo VSATLĐ - PCCN trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người lao động về công tác an toàn – vệ sinh lao động, tuyên truyền trong các cơ quan, doanh nghiệp không bố trí người lao động chưa được huấn luyện theo qui định vào làm việc; xử lý tốt vệ sinh môi trường như bụi, khói, đảm bảo cảnh quan của doanh nghiệp luôn xanh, sạch, đẹp.
Viết bình luận