I. TÓM TẮT TIỂU SỬ - QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19/9/1889 trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) - làng quê có truyền thống văn hiến, với những danh nhân khoa bảng được ghi trong sử sách. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng là giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (một tỉnh cũ dưới thời Pháp thuộc). Do cha mẹ đều mất sớm, ngay từ nhỏ, Bùi Bằng Đoàn được người chú dượng là Dương Lâm (tức cụ Thiếu bảo Vân Đình lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ) đưa về nuôi dưỡng và dạy học chữ Hán.
Năm Bính Ngọ (1906), dưới triều Vua Thành Thái, tại khoa thi Hương trường Hà Nam, Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân. Cùng năm ấy, phong trào Tây học rộ lên, Bùi Bằng Đoàn tự khai thêm 3 tuổi để được tuyển sinh vào trường Hậu Bổ -trường chuyên dạy và học bằng tiếng Pháp.
Năm 1911, Bùi Bằng Đoàn tốt nghiệp trường Hậu Bổ, Hà Nội, được bổ làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, Cụ được nhà Nguyễn tuyên triệu vào Triều đình Huế làm việc và được giữ chức Thượng thư Ngự Tiền, Văn phòng Nam Triều (1934), rồi làm Thượng thư bộ Hình (Bộ Tư pháp); sung Cơ mật viện Đại thần, hàm Chánh nhị phẩm và được thăng Hiệp tá Đại học sĩ hàm Tùng nhất phẩm. Sau đó ít lâu được phòng hàm Chánh phẩm.
Năm 1944, Bùi Bằng Đoàn được nhà Vua ban tặng hàm Thái tử Thiếu bảo, và tham gia Viện Cơ mật của Triều đình Huế.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, Trần Trọng Kim được đưa lên làm Thủ tướng Chính phủ. Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia chính phủ bù nhìn, cáo quan về sống ở Hà Đông, nhưng Chính phủ Nam Triều đã mời ở lại và giao giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm ở Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Theo Sắc lệnh số 80/SL số 31/12/1945, Cụ được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 31/12/1945, Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết được thành lập, gồm 40 nhân sỹ, trí thức, các bộ trưởng và thứ trưởng trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn là thành viên.
Trong cuộc Tổng Tuyển cử ngày 6/1/1946, Cụ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Hà Đông (cũ), rồi được bầu làm ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (28/10/1946 - 9/11/1946) Cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Ngày 31/12/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban Tản cư và Di cư Trung ương, Ủy ban tản cư của các tỉnh, phủ, huyện. Ngày 22/01/1947, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 8/SL cử các thành viên Ủy ban Tản cư và Di cư, gồm 11 thành viên, cụ Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban.
Năm 1947-1948, cụ Bùi Bằng Đoàn hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Tháng 8/1948, vì bị bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh đưa Cụ về Liên khu 3 chữa trị. Ngày 13/4/1955, Cụ qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. Do những công lao, cống hiến to lớn đối với dân tộc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất.
II. CÔNG LAO VÀ CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐẤT NƯỚC
1. Cụ Bùi Bằng Đoàn - Một tấm gương về thanh liêm, chính trực, mẫn cán, một lòng đi theo cách mạng
1.1. Trước Cách mạng Tháng Tám, làm quan ở triều đại phong kiến, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân
- Khi làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), cụ Bùi Bằng Đoàn đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn - một công trình trị thủy lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nhờ con đê Bạch Long mà cả một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu được tạo lập, những người nông dân trồng lúa, trồng dâu ở địa phương dần dần có cuộc sống ổn định. Ghi nhớ công đức của Cụ, nhân dân địa phương đã làm lễ tế sống vị phụ mẫu chi dân trẻ tuổi ngay nơi nhận chức.
- Khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng, nhờ tinh thông Pháp văn cụ Bùi Bằng Đoàn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, cụ Bùi Bằng Đoàn đã phiên dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”.
- Năm 1925 trước việc báo chí phản ánh cảnh phu điền ở Nam Kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam Triều đã cử Bùi Bằng Đoàn vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp tại Nam Kỳ. Là người công minh, liêm khiết, mẫn cán và tác phong làm việc cẩn trọng, khoa học, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đơn vị đồn điền cao su thuộc các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn và Gia Định. Nội dung điều tra tập trung chủ yếu vào việc tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, nhất là người lao động ở các tỉnh Bắc Kỳ vào và đời sống người lao động thông qua tiền lương, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số giờ lao động trong ngày, số tiền lãi của chủ đồn điền… Kết thúc cuộc điều tra, Cụ đã viết báo cáo, kiến nghị dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Nhờ đó đã được nhà đương cục lúc bấy giờ chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
- Khi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, Cụ được mời tham dự phiên tòa Đề hình xét xử đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khâm phục tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nên khi nghị án thực dân Pháp đã định án tử nhưng Cụ đã tìm mọi cách để giảm tội tử hình xuống khổ sai đày đi Côn Đảo.
- Năm 1933, cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm làm Tuần phủ Ninh Bình, sau đó, khi Phạm Quỳnh tổ chức lại nội các, Cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Hình.
Trên cương vị Thượng thư bộ Hình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung Kỳ. Đồng thời, Cụ đã tấu trình và được nhà Vua chấp thuận việc biên soạn, ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ, tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến, lựa chọn và đào tạo thẩm phán và đội ngũ nhân viên chuyên môn nghiệp vụ chuyên trách… Sau này nhiều người được tiếp tục phục vụ trong các cơ quan pháp luật của cách mạng.
Trong thời gian làm quan đại thần trong Triều Nguyễn ở Huế, Cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính chực, chăm dân. Cụ được nhà Vua sủng ái, các quan trong triều kính trọng, nhân viên và các quan chức dưới quyền ngưỡng mộ, được nhân dân kính trọng, tin cậy.
1.2. Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư trân trọng mời Cụ tham gia việc nước. Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, khâm phục, kính trọng tài đức, lý tưởng lớn lao, trong sáng và tinh thần, nghị lực đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào vận mệnh nước nhà, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia Uỷ ban kiến thiết quốc gia; tham gia Ban Cố vấn riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi trở thành Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội… Trên cương vị và trọng trách nào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một người thanh liêm, chính trực, một lòng đi theo cách mạng.
Khi ở vị trí Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, hoạt động chỉ có hai người nhưng với kinh nghiệm phong phú, cộng với sự giúp đỡ của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của bộ máy nhà nước, giúp giữ nghiêm kỷ cương phép nước, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong cơ quan chính quyền. Đặc biệt Cụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, như Sắc lệnh số 40/SL về việc Bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 29/3/1946. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định cụ thể những trường hợp bắt người, giam cứu, nơi giam cứu, cấm tra tấn để lấy cung, bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Việt Nam; giúp cho Ban Thanh tra đặc biệt giải quyết các vụ việc oan trái được nhanh chóng.
Không những vậy, từ công tác thanh tra, Cụ đã tổng kết thực tiễn, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng tư tưởng thanh tra nhân dân, thanh tra cách mạng Việt Nam sau này.
2. Cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội, có công lao, đóng góp to lớn đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
- Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của tất cả các đảng phái trong nước, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, được Hồ Chủ tịch giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông (cũ) với số phiếu bầu rất cao.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Lúc này nhiệm vụ chính của Cụ vẫn là ở Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ nhưng Cụ đã tham gia một số hoạt động đối ngoại của Chính phủ, như tham gia đàm phán với Chính phủ Pháp sau khi ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6/3/1946.
- Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (tháng 11-1946), Cụ được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp.
Ngày 17/12/1946, tại Hà Nội, Hội đồng Chính phủ họp có sự tham gia của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Đây là cuộc họp rất quan trọng, nghe đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng và một số nơi khác; Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Sau cuộc họp này, ngày 18 và 19/12/1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước và ban bố Chỉ thị kháng chiến của Đảng. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
- Kháng chiến toàn quốc diễn ra, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ bí mật rút khỏi Hà Nội. Để sự lãnh đạo điều hành được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền tập trung vào Chính phủ và có sự tham gia tích cực, thường xuyên của Ban Thường trực Quốc hội. Tuy nhiên, do tình hình ngày càng cấp bách và khó khăn, vì vậy thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường trực Quốc hội, chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn ở lại cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ trên.
Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tham gia bàn bạc góp ý kiến các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ và tham gia giám sát các công việc của Chính phủ thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Với tinh thần trách nhiệm cao, Cụ đã tham gia đóng góp cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Cụ đã thay mặt Quốc hội tham dự các sự kiện trọng đại của đất nước.
Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, Cụ Bùi Bằng Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6/3/1946 tại Đà Lạt.
- Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 10/10/1954 Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, Cụ trở về Hà Nội. Thời gian này công việc của Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương rất bộn bề. Với tư cách là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Cụ đã có nhiều ý kiến đóng góp, cùng Ban Thường trực Quốc hội trong việc tiến hành ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội; xem xét việc chuẩn bị thông qua nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ nhằm bảo đảm thành công trong công việc kiến quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của toàn dân.
***
Từ Thượng thư bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng một cách tự nguyện và một lòng đi theo chính quyền cách mạng. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với đất nước; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn đất nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Viết bình luận