Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Với tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng chục nghìn người nhiễm mới và hàng nghìn người tử vong. Nhiều nước tưởng chừng như đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại sau khi được nới lỏng các biện pháp phòng chống.

          Bên cạnh đó, dịch Covid-19 rất khó lường, nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng, nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu, trên 20 ngày, có người đã xét nghiệm âm tính, được công bố khỏi bệnh lại dương tính trở lại; trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, chúng ta đã hạn chế tối đa những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người khác, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để, do đó thực tế có thể tồn tại những người mang mầm bệnh đang ở trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra, các trường hợp này có thể lây bệnh cho người khác và trong thời gian tới có nguy cơ xuất hiện thêm những ca nhiễm mới trong cộng đồng. Mặt khác, đến nay vẫn chưa có vacxin, thuốc điều trị nên khả năng dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, tồn tại, lây nhiễm trở lại trong cộng đồng. Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh mà phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội, các khuyến cáo của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

          Thực tế, qua công tác kiểm tra trên địa bàn phường trong thời gian hết cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thấy vẫn còn nhiều người dân khi ra khỏi nhà, không đeo khẩu trang, vẫn còn tập trung đông người tại các nơi công cộng, chưa thực hiện việc giữ khoảng cách giữa người với người khi giao tiếp, đi lại. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, UBND phường Phúc La đề nghị người dân khi ra ngoài phải đeo khẩu trang; phải thực hiện giữ khoảng cách giữa người với người khi giao tiếp, khi đi lại nơi công cộng; không tụ tập đông người, tránh tiếp xúc với người bị ho, sốt; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế.

 

           Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu ( khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, Karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…) tạm dừng hoạt động đến khi có chỉ đạo tiếp theo của UBND Thành phố Hà Nội.

          Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

          Đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập:

          - 100% các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập phải thực hiện rà soát, tổ chức sàng lọc, phân luồng người bệnh, bố trí phòng khám, cách ly riêng đối với người có triệu chứng viêm đường hô hấp ( ho, sốt, khó thở…) hoặc có yếu tố liên quan đến dịch tễ liên quan đến Covid-19; Bố trí đủ các biển, bảng và nhân viên hướng dẫn, phân luồng người bệnh. Bố trí lối đi riêng cho người bệnh có dấu hiệu viêm đường hô hấp và người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, tránh để xảy ra trường hợp người bệnh di duyển qua nhiều khu vực của cơ sở khám, chữa bệnh.

          - Tất cả các cơ sở y tế phải thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt và kê khai Tờ khai y tế bắt buộc đối với toàn bộ người vào cơ sở ; trong đó cần xác định tinh thần: tất cả người đến cơ sở y tế đều có thể có yếu tố nguy cơ ( bao gồm người bệnh, người nhà, người đi cùng, người hỗ trợ… ) thực hiện ngay từ cổng của cơ sở khám chữa bệnh; chú ý việc khai thác kỹ tiền sử  dịch tễ trong toàn bộ quá trình tiếp đón, sàng lọc, phân loại và trong toàn bộ quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

          - Các cơ sở y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các bệnh nhân có dấu hiệu: Ho, sốt, khó thở, có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 ( Thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm); Bố trí khu vực cách ly tạm thời cho bệnh nhân; Liên hệ với các cơ sở vận chuyển người bệnh có đủ điều kiện để chuyển người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở cách ly tập trung để tiếp tục theo dõi, điều trị.

          - Cơ sở y tế phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên trong toàn bộ quá trình làm việc. Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bao gồm : đảm bảo trang phục phòng hộ, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang. Đặc biệt, đối với các phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, siêu âm… việc khám, chữa bệnh có đặc thù tiếp xúc rất gần với người bệnh cần phải tuân thủ các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt.

          - Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn: Vệ sinh, đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng; khử khuẩn bề mặt thiết bị, dụng cụ y tế, xử lý đồ vải; phân loại, quản lý chất thải y tế đúng quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

          - Khuyến khích các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn của cơ sở như: đặt lịch khám bệnh trực tuyến hoặc đặt hẹn qua điện thoại để đảm bảo giãn cách, khoảng cách giữa các bệnh nhân, người chăm sóc, nhân viên y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế ( Khoảng cách ghế ngồi chờ khám cho bệnh nhân, người chăm sóc phải đảm bảo tối thiểu 2m, hạn chế tiếp xúc gần giữa các nhân viên y tế )

          - Đối với các  nhà thuốc :

          -Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình hành nghề như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách với người mua thuốc, … và tuyên truyền cho người dân đến mua thuốc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng chống dịch Covid-19.

          - Nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Dược, Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22/1/2018 của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và các quy định khác của pháp luật về hành nghề dược.

          - Trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên bán lẻ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước của Quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, khai thác rõ các thông tin tiền sử bệnh của người bệnh. Trường hợp  người mua thuốc có các triệu chứng như : sốt, ho, khó thở,… cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc báo ngay cho Trạm y tế, UBND phường hoặc qua đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế kịp thời tiếp nhận thông tin và hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan.

          Các cơ sở kinh doanh ăn uống phải thực hiện :

          - In và niêm yết công khai các khuyến cáo của Bộ Y tế về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở các vị trí thuận tiện quan sát tại cơ sở kinh doanh.

          - Chủ cơ sở và nhân viên phải thực hiện việc đeo khẩu trang trong suốt thời gian phục vụ tại cơ sở, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn; bố trí chai dung dịch sát khuẩn tay tại cửa ra vào và đề nghị khách hàng thực hiện sát khuẩn tay trước khi vào cơ sở và trước khi ra về.

          - Tuyệt đối không để những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở làm việc tại cơ sở.

- Hạn chế tối đa việc ăn uống tại chỗ, nếu có bố trí khách ăn tại cơ sở, bố trí bàn ghế , chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách an toàn cho khách đến mua hàng, sử dụng dịch vụ phải tuân thủ khoảng cách giữa 2 người ít nhất 2m và yêu cầu khách hạn chế nói chuyện trong khi ăn, khuyến khích việc cho khách mua mang về.

          - Khi thấy khách hàng có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải bố trí khu vực riêng để tránh tiếp xúc với người khác và ghi vào sổ theo dõi khách hàng ( cơ sở phải lập sổ theo dõi riêng trong thời gian phòng chống dịch Covid-19) hướng dẫn khách hàng phải khai báo y tế ( có tờ khai theo mẫu gửi kèm), đồng thời liên hệ ngay với Trạm Y tế phường Phúc La để được hướng dẫn. SĐT liên hệ : 0989965036 hoặc 0988631178.

          - Đối với suất ăn sẵn mang đi :

          + Thức ăn phải được đóng trong hộp/túi kín

          + Người vận chuyển phải đeo khẩu trang và sát khuẩn bàn tay trước khi vận chuyển suất ăn.

          + Không được để những người vận chuyển suất ăn tụ tập đông, phải giữ khoảng cách ít nhất 2m giữa người với người.

          - Thường xuyên dọn vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh, lau rửa đồ dùng, bàn ghế, sàn nhà… bằng các chất tẩy rửa thông thường sau mỗi buổi bán hàng.

- Đề nghị Ban Quản lý chợ Yên Phúc, Ban quản lý chợ Xanh (khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc), các siêu thị, chủ các cửa hàng tiện ích:

+ Hàng ngày tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử trùng môi trường bằng các dung dịch sát khuẩn, các chất tẩy rửa trong toàn bộ khuôn viên chợ, siêu thị, địa điểm kinh doanh.

+ Bố trí các chai dung dịch sát khuẩn tại các khu vực cửa ra vào, các quầy hàng, khu vực kinh doanh để cán bộ, nhân viên, hộ kinh doanh và người tiêu dùng sử dụng sát khuẩn tay phòng chống dịch bệnh.

+ Thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về việc không mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm sống, đặc biệt là động vật hoang dã.

+ Yêu cầu nhân viên, chủ các quầy hàng kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp và sát khuẩn tay trước khi vào chợ, siêu thị và trước khi ra về.

Để cùng chung tay ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, UBND phường Phúc La đề nghị toàn thể nhân dân hãy thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, UBND thành phố và các khuyến cáo của Bộ y tế về thực hiện các biện pháp chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Thực hiện: 

Huyền Trang

Viết bình luận

Xem thêm tin tức