65 năm về trước, ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Nhìn lại quá trình phát triển của Thành phố từ mốc son rực rỡ này, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Sau cuộc trường chinh 9 năm cả nước kháng chiến gian khổ, nhưng vô cùng vinh quang, Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
16h ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Thủ đô ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Người, 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã đi đầu nắm bắt và triển khai quyết sách mới của Đảng, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới.
Đặc biệt, ngày 1/8/2008 đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).
11 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kinh tế của Thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Hà Nội đang tận dụng tối đa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 nhằm chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp… phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.
Công tác cải cách hành chính của Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ rệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nâng cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng của chính quyền điện tử cơ bản được hình thành, thúc đẩy công tác cải cách hành chính ngày càng có hiệu quả.
Với phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Hà Nội còn đi đầu cả nước trong công tác xây dựng Đảng, nổi bật là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội”; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị... Đặc biệt. Đảng bộ Hà Nội đang hưởng ứng và tích cực triển khai Quy định 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố và trước hết để giúp Đại hội Đảng các cấp của thành phố thành công tốt đẹp.
Từ mốc son giải phóng Thủ đô 65 năm về trước, đến nay, mạch nguồn đoàn kết, ý chí quyết tâm không lùi bước của người Hà Nội tiếp tục được bồi tụ làm nên những thành tựu quan trọng. Đây cũng là động lực để cán bộ và nhân dân Thành phố hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng và Nhà nước ta đã ba lần tặng thưởng cho Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu Thành phố Anh hùng vào năm 2000.
Kỷ niệm 65 năm giải phóng, với khí thế rồng bay của Thăng Long ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo; tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành; phấn đấu xây dựng một Thủ đô hòa bình, xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Viết bình luận