Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, sáng ngày 13/3/2015, UBND phường Phúc La tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2015. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, Thường trực UBND - UB MTTQ, trưởng các ngành, đoàn thể, Tổ chức xã hội, các ông (bà) Tổ trưởng tổ dân phố và thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện.
Tại Hội nghị, UBND phường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, các tổ dân phố chủ động phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền tới các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; Nghị định 94/2009/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Quyết định số 7144/QĐ – UBND ngày 27/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội; tuyên truyền để nhân dân hiểu về cơ chế gây nghiện, tác hại của ma túy, lợi ích của việc cai nghiện ma túy, các biện pháp điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện kết hợp với tư vấn, phòng chống tái nghiện. Các ban ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với các tổ dân phố trong việc quản lý, lập hồ sơ cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc, hỗ trợ đào tạo việc làm, giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh, tố giác các cơ sở, hộ gia đình vi phạm pháp luật phòng chống ma túy, mại dâm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Một số nội dung của Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 7144/QĐ – UBND ngày 27/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội:
1. Quy trình lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện nguyện tại gia đình và cộng đồng:
- Đối tượng điều chỉnh:
+ Đối tượng cai nghiện tại gia đình là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình.
+ Đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình.
Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm tự giác khai báo và đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trình tự: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Tổ công tác, gia đình người nghiện và người nghiện thống nhất kế hoạch cai nghiện trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt và thực hiện kế hoạch cai nghiện.
- Hồ sơ đăng ký gồm:
+ Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: tình trạng nghiện ma túy; các hình thức cai nghiện ma túy đã tham gia; tình trạng sức khỏe; cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình;
+ Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy;
+ Kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện ma túy.
2. Quy trình lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng:
- Đối tương điều chỉnh: là người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo, không tự nguyện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, chưa thực hiện bất kỳ hình thức cai nghiện nào, gia đình tự nguyện quản lý trong thời gian tổ chức cai nghiện.
- Trình tự: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ do Công an cấp xã đề nghị, Tổ công tác cai nghiện thẩm tra hồ sơ, xây dựng kế hoạch cai nghiện trình Chủ tịch UBND cấp xã quyết định và triển khai thực hiện kế hoạch cai nghiện.
- Hồ sơ: Trưởng Công an xã hoặc tương đương chủ trì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng gửi Tổ công tác, hồ sơ gồm:
+ Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy;
+ Biên bản hoặc các tài liệu xác nhận tình trạng nghiện ma túy;
+ Văn bản của Trưởng Công an xã hoặc tương đương đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
3. Quy trình lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm và các cơ sở cai nghiện hợp pháp ngoài công lập:
a. Đối tượng điều chỉnh: Là người nghiện ma túy, có nơi cư trú ổn định tại Hà Nội (có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội), bản thân người nghiện hoặc gia đình người nghiện làm đơn, khai báo tình trạng nghiện và đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm hoặc cơ sở cai nghiện hợp pháp ngoài công lập gửi UBND cấp xã.
b. Trình tự:
- Đối với biện pháp cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm
+ Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của người tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm, Giám đốc Tung tâm ra quyết định tiếp nhận hay không tiếp nhận người nghiện ma túy tự nguyện đến cai nghiện tại Trung tâm.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc người nghiện tự đến Trung tâm hoặc gia đình người nghiện đưa người nghiện đến trung tâm để thực hiện cai nghiện. Sau thời hạn 05 ngày nếu người nghiện không đến, quyết định coi như hết hiệu lực.
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận người nghiện ma túy vào Trung tâm, Giám đốc Trung tâm phải thông báo việc tiếp nhận người nghiện và gửi bản sao lý lịch của người tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm cho Công an cấp xã nơi người nghiện cư trú.
- Đối với biện pháp cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện hợp pháp ngoài công lập.
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, người đứng đầu cơ sở cai nghiện xem xét hồ sơ và căn cứ vào khả năng của cơ sở cai nghiện, thông báo việc tiếp nhận hay không tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở sai nghiện.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc người nghiện tự đến hoặc gia đình người nghiện đưa đến cơ sở cai nghiện hợp pháp ngoài công lập. Sau thời hạn 05 ngày làm việc nếu người nghiện không đến, quyết định coi như hết hiệu lực.
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải thông báo việc tiếp nhận người nghiện và gửi bản sao lý lịch của người tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cho Công an cấp xã nơi người nghiện cư trú.
c. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Đơn đăng ký tự nguyện vào Trung tâm (hoặc cơ sở cai nghiện hợp pháp ngoài công lập) cai nghiện của người nghiện. Đối với người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi phải có giấy bảo lãnh của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện.
- Bản photo công chứng hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn.
- Bản photo công chứng chứng minh thư nhân dân.
- Bản sơ yếu lý lịch tự khai của người nghiện (áp dụng tương tự Biểu mẫu số 01 quy định của Thông tư 14/2014/TT – BLĐTBXH ngày 12/6/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có dán ảnh).
4. Quy trình lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháo cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm.
a. Đối tượng điều chỉnh:
- Đối tượng thuộc diện quy định tại điểm a, b, c, khoản 1 Điều 3 Quy chế này, không tự nguyện cai nghiện.
- Đối tượng không có nơi cư trú ổn định có xét nghiệm dương tính với ma túy, không tự nhận là người nghiện, trong thời gian lưu trú tạm thời đã xác định là người nghiện ma túy;
- Đối tượng thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 không tự nguyện xin cai nghiện tự nguyện.
b. Trình tự
- Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ khi đối tượng nêu trên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện , Cơ quan, đơn vị chức năng cấp xã lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
- Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ gửi văn bản thông báo cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người cai nghiện đại diện hợp pháp của họ. Thời gian đọc hồ sơ là 01 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
- Hết thời hạn đọc hồ sơ, cơ quan, đơn vị chức năng cấp xã lập hồ sơ gửi phòng Tư pháp (hồ sơ gốc), Phòng Lao động Thương binh xã hội (bản sao), Công an cấp huyện (bản sao), Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện (bản sao).
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan lập hồ sơ, phòng Lao động Thương binh xã hội triệu tập và tổ chức cuộc Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ. Tại cuộc họp Tổ tư vấn thẩm định, phòng Tư pháp có trách nhiệm đưa ra văn bản xác định tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp thẩm định hồ sơ, Phòng Lao động Thương binh Xã hội có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ gửi Tòa án nhân dân cấp huyện:
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì đánh bút lục và lập thành hai bản, bản gốc chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện, bản sao lưu tại phòng Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định của Pháp luật về lưu trữ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì có văn bản đề nghị cơ quan lập hồ sơ bổ sung, trong đó nêu rõ lý do và các tài liệu cần bổ sung vào hồ sơ. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung các tài liệu theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, nếu hồ sơ không được bổ sung, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trả lại hồ sơ cho cơ quan lập hồ sơ đồng thời thông báo bằng văn bản cho Trưởng phòng Tư pháp và người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án nhân dân cấp huyện phải ra một trong các quyết định tại điểm h khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13.
c. Hồ sơ chuyển Tòa án:
- Toàn bộ hồ sơ đề nghị của cơ quan lập hồ sơ.
- Biên bản họp Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị.
- Văn bản thẩm định tính pháp lý hồ sơ đề nghị của phòng Tư pháp.
- Văn bản đề nghị của Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội.
Viết bình luận