Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người. Cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với môi trường: Môi trường tạo không gian sinh sống, là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống và hoạt động sản xuất của con người, cũng là nơi chứa đựng, hấp thụ và trung hòa các chất thải ra từ quá trình sinh sống và sản xuất của con người. Tuy vậy, quá trình hoạt động của con người đã vi phạm nghiêm trọng các yếu tố cân bằng của tự nhiên một cách liên tục và ngày càng lớn. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên là những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21, đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh môi trường. Thực trạng môi trường ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức con người, do nhận thức không đúng đắn và đầy đủ về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Vì vậy để bảo vệ môi trường, cảnh quan công cộng cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, bắt đầu từ ngày 01/02/2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về môi trường.
Cụ thể, Theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng, trong khi trước đây mức phạt được quy định chỉ từ 200.000 đồng - 300.000 đồng; hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây. Tương tự, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Theo Khoản 2, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng; không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường, bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.
Để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định của nhà nước, đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, để môi trường xung quanh chúng ta luôn “ sáng,xanh, sạch, đẹp” góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Viết bình luận