Trong không khí hào hùng của nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sáng 06/5, UBND quận đã phối hợp với các đoàn thể quận tổ chức chương trình giao lưu “Âm vang Điện Biên”. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội, đồng chí Phạm Khắc Tuấn - Bí thư Quận uỷ, đồng chí Nguyễn Thị Liên - Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ và đặc biệt là sự có mặt của 164 cựu chiến sỹ Điện Biên về dự.
60 năm về trước, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã kết thúc 9 năm kháng chiền trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, qua 3 giai đoạn tấn công cam go, ác liệt, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chúng ta đã làm nên một chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng khi tham gia chiến dịch; ôn lại ý nghĩa lịch sử to lớn cũng như những tháng ngày gian khổ nhưng hào hùng của các thế hệ chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Đồng thời, cũng đã được nghe những nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch kể về những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm khó phai trong những trận đánh ác liệt để làm nên một Điện Biên Phủ oanh liệt.
Ông Lê Văn Nhân, cựu chiến sỹ Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 1, phường Mộ Lao không dấu nổi xúc động khi kể về thời khắc nghe tin địch ra hàng ngày 7/5/1954. Ông nhớ lại: “Lúc đó khoảng 16-17giờ chiều ngày 7/5, đơn vị chúng tôi đang nằm dưới giao thông hào chờ tin để sẵn sàng chiến đấu thì đột nhiên có tin Pháp ra hàng. Chúng tôi nhao lên, ngó lên giao thông hào nhìn về phía Đông đồi Him Lam thì thấy nhấp nhô. Nhưng sau đó khoảng 5-10 phút chúng tôi lại được lệnh sẵn sàng chiến đấu vì chưa có tin chính thức, đơn vị sợ bị đánh úp; nhưng chỉ 5-10 phút sau có tin chính thức quân báo báo về là Pháp đã ra hàng. Lúc đó, toàn đơn vị chúng tôi nhảy lên giao thông hào, một sự phấn khởi không thể tả được. Một số anh em trong đơn vị có ít pháo sáng thu được của địch trong trận bảo vệ cứ điểm Mường Thanh đã kéo pháo lên trời, bầu trời Mường Thanh sáng rực ngày giải phóng”.
Tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi mới bước sang tuổi 16 và tham gia chiến dịch Điện Biên khi 17 tuổi, Trung tá Phạm Luyện, nguyên chiến sỹ pháo binh Đại đoàn 351, hiện nay đang sinh sống tại tổ dân phố 13, phường Quang Trung cho biết nguyên nhân tình nguyện nhập ngũ sớm như vậy là bởi hàng ngày ông được chứng kiến cảnh giặc Pháp càn quét, bắt bớ thậm chí giết hại người dân vô tội trên quê ông. Lúc đó, ông chỉ có một quyết tâm: “phải tham gia quân đội, phải đi đánh giặc để thoát khỏi những cảnh đó” và ông đã lên đường vào chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tại buổi giao lưu, quận Hà Đông đã tặng 164 xuất quà cho các chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Trước đó, các cấp, các ngành của quận đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho các chiến sỹ Điện Biên trên địa bàn quận và tỉnh Điện Biên. Trong dịp này, UBND quận đã tổ chức tổng kết và trao giải Liên hoan phát thanh - truyền thanh “Âm vang Điện Biên”, trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 8 giải khuyến khích cho Đài Truyền thanh các phường./.