Phường Phúc La chủ động phòng chống bệnh dịch hạch

Dịch hạch là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, có khả năng lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do một loại trực khuẩn gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trùng trên chúng. Bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô cùng với mùa phát triển của chuột và bọ chét.

Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể sau: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, trong đó thường gặp hơn cả là thể hạch. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn, chủ yếu là theo đường máu (do côn trùng đốt), theo đường tiêu hóa (do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, bị chuột gieo rắc mầm bệnh), theo đường hô hấp (do bệnh nhân dịch hạch thể phổi có thể lây trực tiếp từ người sang người khi ho), theo đường tiếp xúc (qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương).

Theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 31/8/2014 đến nay, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch.

Tại Việt Nam, mặc dù trên 10 năm trở lại đây không ghi nhận ca bệnh dịch hạch trên người, tuy nhiên Việt Nam là nước đã từng lưu hành bệnh dịch hạch và sự lưu hành các loài chuột là khá phổ biến, đồng thời trong bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu hóa, chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô tô, máy bay…xâm nhập và lây bệnh cho các loài gặm nhấm và người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước có chung đường biên giới với Trung Quốc và có giao lưu rộng rãi với các nước. Đặc biệt, Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, trong đó không tránh khỏi những hành khách đến từ vùng có dịch nên nguy cơ có dịch xảy ra là rất lớn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch hạch, để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường chỉ đạo triển khai giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại các vùng giám sát trọng điểm, các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu trong kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt đối với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch.

Vì vậy để chủ động phòng chống bệnh dịch hạch, UBND phường Phúc La đề nghị các cá nhân, hộ gia đình và toàn thể nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên vệ sinh cá nhân và một số biện pháp phòng chống cụ thể như sau:

- Thực hiện bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý tránh để chuột chui rúc và làm tổ.

- Thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn phải được che, đậy… tránh để chuột tiếp xúc.

- Loại bỏ chất thải, rác và nguồn cung cấp thực phẩm cho động vật gặm nhấm. Nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang, tổ chuột, loại bỏ nơi sinh sản của chuột, bọ chét; tổ chức diệt bọ chét đồng thời với diệt chuột...

Lưu ý: không diệt chuột và bọ chét khi đang xảy ra dịch hạch ở chuột và ở người.

- Trường hợp nếu có các biểu hiện của bệnh dịch hạch  như sốt, nổi hạch... phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Đề nghị toàn thể nhân dân khi phát hiện người có các biểu hiện nghi mắc bệnh như: sốt cao, nổi hạch, viêm đường hô hấp cấp… hoặc khi phát hiện thấy có nhiều chuột chết bất thường cần báo ngay cho Trạm y tế phường Phúc La để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời.

Thực hiện: 

Lan Anh

Viết bình luận

Xem thêm tin tức