“Nghề giáo” - Vinh quang và trọng trách

Mỗi độ tháng 11 về, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam luôn hướng về các thầy, cô giáo với lòng thành kính, biết ơn, và với các thế hệ học trò, Ngày 20-11 là ngày kỷ niệm sâu sắc. Sự tôn vinh và tri ân đó không chỉ khẳng định giá trị của nghề giáo trong xã hội mà còn là dịp để xã hội tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người” - một nghề đặc biệt cao quý, vinh quang nhưng đầy trọng trách. Vậy nên "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, hay “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

So sánh các ngành nghề trong xã hội, nghề nào cũng có những giá trị, bởi tất cả đều làm ra giá trị vật chất và tinh thần phục vụ cho lợi ích của con người, xã hội. Song, nghề dạy học vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng. Nghề giáo là người ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước, trồng cây, đơm hoa, kết trái cho cuộc đời. Dạy học là một nghề hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của các ngành nghề khác “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Nghề giáo là một nghề hết sức đặc biệt quan trọng, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách, trí tuệ của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá bằng tư tưởng, tình cảm của thầy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng để tạo dựng nên “sản phẩm” - con người hội tụ đầy đủ “Tâm - Tài - Tầm”, chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, không thể đem so sánh sản phẩm làm ra của người thầy với bất kỳ sản phẩm nào trong xã hội.

Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những thầy giáo làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách, trọng trách, vinh quang của người thầy. Đó là thầy giáo Chu Văn An - người được dân chúng tôn là “vạn thế sư biểu” - nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời. Nhà giáo Võ Trường Toản luôn đề cấp đến đạo lý “Lương sư, hưng quốc” - nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi, có một nền giáo dục tốt thì sẽ hưng thịnh.

Tiếp nối truyền thống thế hệ những người thầy đi trước, người thầy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay - thời kỳ mà Đảng ta coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc. Người thầy hôm nay gánh một trọng trách lớn: giáo dục, đào tạo con người - tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia, mỗi xã hội.

Nghề giáo vinh quang, song cũng không ít những ưu tư. Trong xã hội hiện đại, các thang giá trị biến đổi, kéo theo cách nhìn nhận về nghề giáo cũng biến đổi theo. Từ việc dạy thêm, học thêm “biến tướng”, “bạo lực học đường”, rồi không ít thầy, cô buộc phải từ bỏ bục giảng vì gánh nặng mưu sinh và nhiều lý do khác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người thầy. Điều đáng buồn hơn, nơi này, nơi khác vẫn còn có các hành vi làm tổn thương đến người thầy và có một số biểu hiện suy giảm về đạo đức, làm xấu đi hình ảnh của những người làm nghề dạy học. Hay, còn đó những trăn trở, câu chuyện giáo viên chưa được trao quyền chủ động, vị trí của nhà giáo, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, điều kiện dạy và học còn hết sức khó khăn vất vả…

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin ngày nay, người học tiếp nhận rất nhanh với nền tri thức thế giới, với nhiều nền văn hóa, nhiều luồng thông tin, trong đó có cả những luồng tin độc hại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của người học... càng đặt lên đôi vai của người thầy trọng trách định hướng, uốn nắn, tránh việc sa ngã của học trò, giữ gìn cốt cách của cả một thế hệ người Việt.

Vì vậy, bên cạnh truyền đạt tri thức, người thầy còn giữ vai trò quan trọng trong việc cùng với gia đình, xã hội giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, sống có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội. Để làm được điều đó, chính bản thân thầy cô phải là những tấm gương cho học trò noi theo. Từ tác phong, cử chỉ lời nói đến hành động đều phải chuẩn mực. Thầy giỏi, tất sẽ có trò giỏi. Người thầy có nhân cách tốt không chỉ có học sinh ngoan mà còn cảm hóa được cả học sinh hư, học sinh cá biệt… Người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn phải giáo dục đạo đức, nhân cách, giúp người học trưởng thành về nhiều mặt, trở thành người có ích cho xã hội, chủ nhân tương lai của đất nước. Đó cũng chính là yêu cầu bức thiết của ngành giáo dục, xã hội, đất nước đặt ra cho người thầy. Đó cũng là sứ mệnh cao quý, trọng trách rất đỗi thiêng liêng của người thầy.

Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11 cũng là dịp nhắc nhớ người thầy về vị trí xứng đáng của mình. Từ đó, mỗi thầy, cô giáo trong thời đại mới càng phải nỗ lực tự hoàn thiện mình, đáp ứng sự tin yêu, kỳ vọng của toàn xã hội, để trong tâm khảm mỗi học trò luôn có hình ảnh “Người thầy vần lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy/Để em đến bên bờ ước mơ/Rồi năm tháng sông dài gió mưa/Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa...”.

Thực hiện: 

Huyền Trang

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức