Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay do thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, dẫn đến tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này nhưng gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. Bệnh thủy đậu bắt đầu bùng phát và ra tăng số người mắc từ trước Tết. Thời điểm tháng 1/2017 số bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu nhập viện điều trị tại các Bệnh viện như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện da liễu, Bệnh viện E gia tăng đáng kể. Đến thời điểm hiện tại số lượng bệnh nhân là người lớn nhập viện điều trị vì mắc bệnh thủy đậu bất ngờ ra tăng mạnh so với trước đó. Thậm chí có một số người đã tiêm phòng thủy đậu nhưng vẫn mắc bệnh.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cấp tính. Bệnh dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày với biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền khoảng 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên.
Tại Hà Nội, bệnh lưu hành hằng năm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, những năm gần đây trên địa bàn toàn thành phố trung bình hàng năm ghi nhận từ khoảng 1.500 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh. Trong khoảng thời gian đầu năm 2017 tại Hà Nội đã ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc bệnh, rải rác tại các quận, huyện, thị xã, chưa có bệnh nhân tử vong.
Để chủ động phòng bệnh thủy đậu, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng đặc biệt là trong thời điểm hiện tại là thời điểm bệnh dễ lây lan hơn các thời điểm trong năm, UBND phường Phúc La thông báo và đề nghị các cá nhân, hộ gia đình, các trường học và cơ sở mầm non thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng chống bệnh thủy đậu như sau:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng nước muối hoặc các nước súc họng khác.
- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Mở cửa thường xuyên để thông thoáng không khí trong nhà ở, phòng làm việc, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như: nhà trẻ, lớp học, văn phòng làm việc, công xưởng…
- Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho những người chưa mắc bệnh. Hiện nay có vắc xin phòng bệnh cho cả người lớn và trẻ em từ đủ 1 tuổi trở lên. Để được tiêm chủng, người dân cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ vì vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Khi phát hiện có người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh đề nghị các gia đình thông báo ngay cho Trạm y tế phường để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh kịp thời. Số điện thoại liên hệ: 0989.965.036 - đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng trạm y tế phường Phúc La hoặc số điện thoại 0988.631.178 – đồng chí Nguyễn Thế Nam – Phó trưởng trạm y tế phường Phúc La./.
Viết bình luận