Hiện nay tình hình dịch cúm A đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ở nước ta có sự gia tăng bất thường tại miền Bắc, số ca mắc cúm đang gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị đặc biệt, thở máy ECMO. Đặc biệt, ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của số ca mắc cúm A tại Tp. Hà Nội, khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng tiếp nhận liên tục bệnh nhân cúm A đến thăm khám và điều trị, những bệnh nhân nặng thường là người cao tuổi, người có bệnh nền. Cúm A còn được gọi là (cúm mùa) là loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông - Xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người nếu người bệnh không điều trị sớm, có khả năng gây thành đại dịch và biến chứng hô hấp có thể gây tử vong.
Các con đường lây nhiễm cúm A:
- Lây qua giọt bắn hô hấp truyền trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện,...
- Có thể nhiễm virus này khi chạm tay, tiếp xúc vào các bề mặt dính virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc tiếp xúc với các đồ vật trong gia đình (bàn, ghế, giường, tủ...) mà người mắc cúm A đã sử dụng.
- Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, bao gồm heo, ngựa và các loài chim, gia cầm.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm A, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, UBND phường Phúc La thông báo và đề nghị các cá nhân, hộ gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng chống bệnh cúm A cụ thể như sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, trong mùa dịch cần tránh nơi đông người.
- Khi có các triệu chứng cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Vệ sinh nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi vật dụng, đồ chơi bằng hóa hóa sát khuẩn.
- Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng khi được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi có triệu chứng cúm.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Phải uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: kem, đá, nước lạnh.
- Uống nhiều sinh tố C được chứng minh là dùng để trị cảm cúm hay phòng ngừa cảm cúm
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất vừa giúp phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Đề nghị các gia đình và toàn thể nhân dân không nên chủ quan với dịch bệnh. Mỗi người dân nên có biện pháp để bảo vệ đường hô hấp trên để chủ động phòng chống cúm A. Khi phát hiện người có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần thông báo ngay đến Trạm y tế phường Phúc La để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời. Địa chỉ liên hệ: đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng trạm y tế phường Phúc La, số điện thoại: 0989.965.036 hoặc số điện thoại 0988.631.178 - đồng chí Nguyễn Thế Nam - Phó trưởng trạm y tế phường Phúc La.
Viết bình luận