Biểu hiện sinh động của ý Đảng, lòng dân

Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới cũng như để tiến hành đồng đều và nâng cao hiệu quả của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư”.

Sau khi có sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện Ngày hội ở các khu dân cư. Từ những kết quả đạt được cho thấy, nội dung, hình thức của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, do đó Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có tác dụng khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, mỗi cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở để tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ để đưa đất nước ta phát triển vươn lên, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, như: giúp nhau chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sản xuất… Ngày hội đã góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hoá giáo dục, quan hệ ứng xử giữa con người với nhau trong khu dân cư, trong từng gia đình. Những tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, ma tuý…) ở nhiều nơi đã giảm hẳn. Mâu thuẫn trong gia đình, trong khu dân cư ở nhiều nơi được giải quyết thông qua hoà giải, nhiều khu dân cư đã xoá bỏ những tập tục lạc hậu, đấu tranh chống mê tín, dị đoan, xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ. Ở nhiều địa phương, trong Ngày hội đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, như: phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "xây dựng gia đình văn hoá", "khu dân cư văn hoá"…

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành diễn đàn dân chủ của Nhân dân. Tại Ngày hội, Nhân dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, dân chủ đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hoá, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng, như: điện, nước, ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan khu dân cư… theo phương châm "Nhân dân tự lo, tự làm" và "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Trên thực tế, các tầng lớp Nhân dân đã tham gia thảo luận và đóng góp hàng vạn ý kiến, nhiều ý kiến đã được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và sử dụng nhằm xây dựng, đổi mới, bổ sung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày hội đã thực sự khơi dậy được bầu không khí dân chủ, cởi mở ngay từ mỗi khu dân cư. Mặt khác, thông qua Ngày hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến tận khu dân cư để Nhân dân biết, trên cơ sở đó mà dân được bàn bạc, tham gia trực tiếp.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn biết dựa vào dân, từ Nhân dân để tự đổi mới. Ngày hội đã tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi để góp phần giúp Đảng gắn bó, gần gũi với Nhân dân, lãnh đạo và chăm lo cho cuộc sống Nhân dân. Đồng thời, thông qua Ngày hội, Nhân dân thể hiện lòng tin đối với Đảng, chia sẻ công việc cùng với Đảng, phản ánh với Đảng những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Ngày hội cũng là nơi góp phần giúp Đảng kiểm nghiệm phương thức lãnh đạo, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối.

Năm 2018, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với UBND Thành phố về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa Mặt trận với Chính quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bên cạnh đó, hàng năm, MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với UBND TP ký kế hoạch liên tịch tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đây là mô hình riêng của Hà Nội trong công tác tập hợp xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân bàn về nội dung và biện pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương. Đến nay, toàn Thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nhiều hoạt động do Mặt trận phát động đã tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận của Nhân dân như vận động giúp đỡ người nghèo thực hiện phong trào “Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong 10 năm, từ năm 2011 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã vận động được 594,46 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 23.798 nhà ở cho hộ nghèo, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với nguồn quỹ an sinh xã hội của các tổ chức thành viên và sự chăm lo của chính quyền đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố còn 0,21%. Có 14/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, góp phần cơ bản hoàn thành Đề án giảm nghèo của Thành phố.

Các chương trình cứu trợ, an sinh xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” và gần đây là các hoạt động trong công tác phòng, chống Covid-19, hệ thống Mặt trận đã chủ động vào cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực phòng, chống dịch, vận động các tầng lớp Nhân dân ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19, Quỹ Vắc xin Covid-19 được cấp ủy đảng, chínhh quyền và các tầng lớp Nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Bên cạnh đó, MTTQ, các tổ chức thành viên còn thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm…

Những thành tựu đạt được của "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư" trong những năm qua đã cho thấy vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, về yêu cầu đại đoàn kết trong tình hình mới, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và các mục tiêu kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trên cả nước./.

Thực hiện: 

Lê Thương

Viết bình luận

Xem thêm tin tức