Bệnh Tay, chân, miệng và cách phòng chống

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi . Tình hình dịch bệnh “Tay, chân, miệng” tiếp tục diễn biến phức tạp và vẫn gia tăng ở một số tỉnh/ thành. Ở nước ta, bệnh “Tay, chân, miệng” thường gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 234 trường hợp mắc tay chân miệng.

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh... Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc kháng vi rút và điều trị đặc hiệu 

Người mắc bệnh "Tay, chân, miệng" thường có biểu hiện: sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi và sưng họng. 1-2 ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày, biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước, không ngứa và thường nằm ở lòng bàn tay, gan bàn chân. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh “ Tay chân miệng ” nguy hiểm có nguy cơ bùng phát trên địa bàn phường, UBND phường Phúc La đề nghị các hộ gia đình và toàn thể nhân dân thực hiện tốt một số khuyến cáo của Bộ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, cụ thể như sau:

+ Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

+ Đối với trẻ em cần vệ sinh thật sạch sẽ, đặc biệt là sau mỗi lần thay quần áo, tã cho trẻ, tránh tiếp xúc với phân, nước bọt.

+ Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà và các vật dụng có thể nhiễm vi rút bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng Cloramin B 2%.

+ Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp và sử dụng chung các dụng cụ với người bệnh.

+ Cách ly trẻ bị bệnh tại nhà. Không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên bị bệnh. Để các dụng cụ lau và tiệt trùng xa tầm tay với của trẻ.

+ Dùng găng tay cao su khi lau dọn chất nôn, phân, đặc biệt khi tay có vết xước hoặc gia đình có người mắc bệnh.

Đề nghị các gia đình và toàn thể nhân dân khi phát hiện người bệnh hoặc có các biểu hiện nghi mắc bệnh Tay, chân, miệng”  thông báo ngay đến Trạm y tế phường Phúc La để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời. Số điện thoại liên hệ : 0989.965.036 – đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng trạm y tế phường Phúc La, số điện thoại : 0988631178 – đồng chí Vũ Thế Nam – Phó trưởng Trạm y tế phường Phúc La.

 

Thực hiện: 

Huyền Trang

Viết bình luận

Xem thêm tin tức