Ngày Môi trường thế giới (ngày 05/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động là sự kiện được Việt Nam hưởng ứng, tổ chức thường niên từ năm 1982 đến nay. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ít nhất 70% các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang lây lan từ động, thực vật sang người và “các hành động thay đổi cần được tiến hành khẩn cấp để bảo vệ môi trường và nhân quyền”. Đây là thông điệp của Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và môi trường David Boyd trước Ngày Môi trường thế giới năm nay.
Ông Boyd cho rằng các quốc gia nên hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm độc hại và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Thiên nhiên đang gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng. Chúng ta đang phá hủy thế giới tự nhiên, gây thiệt hại cho chính chúng ta”.
Ông Guterres nhấn mạnh: “Suy thoái môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang gia tăng, gián đoạn khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn… Để chăm sóc nhân loại, chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên”.
Ngày Môi trường thế giới năm 2020 đề cập đến cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 toàn cầu và nhấn mạnh rằng với dân số tăng gấp đôi trong 50 năm qua và nền kinh tế toàn cầu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, sự cân bằng tự nhiên đã bị phá vỡ, tạo điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh, như COVID-19 lây lan.
Điều này liên quan đến việc nắm bắt các cơ hội đầu tư xanh - như năng lượng tái tạo, nhà ở thông minh, mua sắm công cộng xanh và giao thông công cộng – theo hướng dẫn của các nguyên tắc và tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững.
( Đang cập nhật )
Viết bình luận