Từ đầu năm đến nay, dịch tay chân miệng bất ngờ gia tăng mạnh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 15/01 cho biết, toàn thành phố đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại hơn 10 quận, huyện với 36 trường hợp mắc. Trong khi đó, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh lây qua đường hô hấp như Cúm, quai bị, rubella, đặc biệt là bệnh sởi. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng và bệnh sởi, UBND phường Phúc La đề nghị các cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh như sau:
Đối với dịch bệnh tay chân miệng: Là bệnh dễ mắc và rất dễ lây lan, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh ăn uống. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, phải chú ý không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống. Cáchộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác …Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị bệnh kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Đối với bệnh sởi: Để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, thực hiện tiêm vắc xin sởi cho trẻ là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp thì nên nghĩ ngay đến bệnh sởi. Khi đó trẻ nên được cách ly ở nhà, chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp… nên đưa trẻ đền bệnh viện để tránh biến chứng, tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống mà phải có chỉ định của bác sĩ.
Đề nghị các gia đình và toàn thể nhân dân khi phát hiện người bệnh hoặc có các biểu hiện nghi mắc bệnh tay chân miệng hoặc bệnh sởi thông báo ngay đến Trạm y tế phường Phúc La để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời. Địa chỉ liên hệ: đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng trạm y tế phường Phúc La, số điện thoại: 0989.965.036.
Viết bình luận