Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân pháp đã âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho đất nước, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng chống lại quân xâm lược. Trong cuộc kháng chiến khốc liệt đó, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, đầu năm 1946 Chính quyền Việt Nam đã vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn và Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên, bàn về việc thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm "Ngày Thương binh toàn quốc", tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày thương binh - Liệt sỹ" để ghi nhận những hy sinh, lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh - Liệt sỹ" của cả dân tộc.
Phát huy truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, thống nhất tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, trải qua 71 năm, các chính sách đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Kết quả thực hiện cho thấy đến nay cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sỹ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sỹ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; Truông Bồn, tỉnh Nghệ An...
Cùng với nhân dân cả nước, trong những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân phường Phúc La quyết tâm thực hiện tốt cho người có công trên địa bàn, thực hiện tốt việc “đền ơn đáp nghĩa ” chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã từng dạy “Thương binh tàn nhưng không phế ”.
Thiết thực kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, trong những ngày cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Phúc La đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2018. Cán bộ và nhân dân phường Phúc La phát huy đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người. Đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay.
Viết bình luận